Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 85
  • Trong tuần: 976
  • Tất cả: 247004
Đăng nhập
Sáng kiến kinh nghiệm khối 2
Hướng dẫn học sinh cách  hình thành nhanh bảng cộng ở môn Toán lớp 2 dạng bài: “9 cộng với một số: 9 + 5”; “ 8 cộng với một số: 8 + 5”; “7 cộng với một số: 7 + 5”; “6 cộng với một số: 6 + 5

I/ Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến”

 II/ Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Ngành Giáo dục & Đào tạo

             III/Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 13/9/2019

             IV/ Mô tả bản chất của sáng kiến:

          Bước qua lớp 2 học sinh bắt đầu làm quen với các dạng bài hình thành bảng cộng như: “9 cộng với một số: 9 + 5”; “8 cộng với một số: 8 + 5”; “7 cộng với một số: 7 + 5”; “6 cộng với một số: 6 + 5”

          Thường thì khi hình thành kiến thức cho học sinh thông qua các bảng cộng giáo viên thực hiện xuyên suốt các thao tác với que tính, theo hướng dẫn của hình vẽ trong SGK để hình thành các phép tính.

          Với cách hình thành kiến thức đó giáo viên sẽ hướng dẫn các em gộp 9 que tính ở hàng trên với 1que tính ở hàng dưới để được 10 que tính (bó lại thành 1 bó 1 chục); 1 chục que tính thêm 4 que tính còn lại được 14 que tính(10 và 4 là 14). Kết hợp với việc thực hiện thao tác trên đồ dùng giáo viên làm rõ cho học sinh thấy 9 + 5 ( 5 được tách thành  1 và 4)           9 + 1 = 10; 10 + 4 = 14. Sau khi thực hiện thao tác trên đồ dùng giáo viên tiếp tục hướng dẫn học sinh đặt tính rồi tính. Cứ như vậy giáo viên yêu cầu học sinh tự thực hiện xuyên suốt tương tự cách làm này trong quá trình tìm kết quả ở các phép tính còn lại trong bảng “ 9 cộng với một số: 9 + 5.”  Đồng thời khi lập xong bảng cộng “ 9 cộng với một số: 9 + 5” học sinh sẽ có nhiệm vụ học thuộc các phép tính trong bảng cộng đó. Và cứ như thế giáo viên cũng sẽ áp dụng tương tự với các bảng cộng còn lại 8 + 5; 7 + 5; 6 + 5.

          Tuy nhiên với cách làm này tôi thấy vẫn còn một vài hạn chế:

- Mất nhiều thời gian cho việc hình thành các phép tính trong từng bảng cộng

- Chưa phát huy tối đa năng lực của học sinh. Đặc biệt là học sinh nổi trội.

- Tiết học nặng nề, rập khuôn. Học sinh dễ bị nhàm chán khi tham gia.

    Để khắc phục những hạn chế trên tôi đưa ra một số nội dung đã sáng tạo, cải tiến: “Hướng dẫn học sinh cách hình thành nhanh bảng cộng ở môn Toán lớp 2 dạng bài “9 cộng với một số: 9 + 5”; “ 8 cộng với một số: 8 + 5”; “7 cộng với một số: 7 + 5”; “6 cộng với một số: 6 + 5”

 1/Tính mới của sáng kiến:

         Trong quá trình dạy học sinh hình thành bảng cộng, giáo viên thường hướng dẫn các em thao tác trên que tính. Cách thực hiện này mất nhiều thời gian và học sinh cũng nhàm chán. Vì vậy tôi đã suy nghĩ tìm ra cách thực hiện nhanh và hiệu quả hơn đó là: Tôi hình thành kiến thức cho học sinh dựa trên những điểm tựa sẵn có, trên dấu hiệu khi số hạng tăng thì tổng tăng, khi số hạng giảm thì tổng giảm. Các em không phải thao tác trên que tính chứ không lặp đi lặp lại thao tác trên đồ dùng một cách máy móc, nhàm chán và mất thời gian. Học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức, biết tìm điểm tựa từ đó tự hình thành các phép tính, ngay cả các phép tính có số hạng lớn hơn.

  2/ Về nội dung của sáng kiến:

- Tôi hình thành kiến thức cho học sinh dựa trên những điểm tựa sẵn có.

  • Khi dạy dạng bài  “9 cộng với một số: 9 + 5”

                                 Hình minh họa của tiết “9 cộng với một số: 9 + 5”

Hình chụp trên trang 15/ SGK/ Toán 2

 Sau khi hình thành phép tính 9 + 5 = 14 tôi hướng dẫn các em lấy phép tính 9 + 5 làm điểm tựa, dựa trên dấu hiệu khi số hạng tăng thì tổng tăng, khi số hạng giảm thì tổng giảm mà các em đã được tôi dạy lồng ghép từ sau bài “Số hạng – Tổng” trước đó để thực hiện tìm kết quả của các phép tính còn lại trong bảng “9 cộng với một số: 9 + 5” chứ không lặp đi lặp lại thao tác trên đồ dùng một cách máy móc, nhàm chán và mất thời gian. Để làm được điều đó tôi hướng dẫn các em thông qua cách tính:

+ Phép tính 9 + 4 so với phép tính 9 + 5 thì số hạng thứ 2 giảm đi 1 do đó tổng sẽ giảm đi 1. Vậy 9 + 5 = 14 thì 9 + 4 = 13, tương tự 9 + 3 = 12 và 9 + 2 = 11.

+ Phép tính 9 + 6 so với phép tính 9 + 5 vì số hạng thứ 2 tăng lên 1 nên tổng sẽ tăng lên 1. Do đó 9 + 5 = 14 thì 9 + 6 = 15; Tương tự các phép tính còn lại như 9 + 7 so với phép tính 9 + 5 thì số hạng tăng lên 2 vậy tổng sẽ tăng lên 2 hoặc so sánh 9 + 7 với 9 + 6 thì ta thấy số hạng tăng lên 1 vậy tổng tăng lên 1. Với cách lấy kiến thức đã biết làm điểm tựa để hình thành, xây dựng kiến thức chưa biết học sinh dễ dàng tìm ra 9 + 7 = 16; 9 + 8 = 17; 9 + 9 = 18

  • Khi dạy dạng bài “8 cộng với một số: 8 + 5”

       Tôi yêu cầu học sinh tìm kết quả của phép cộng có hai số hạng bằng nhau trong đó có một số hạng là 5. Học sinh sẽ nhanh chóng tìm ra phép tính 5 + 5 = 10. Từ phép tính 5 + 5 = 10 tôi gợi ý giúp học sinh tìm kết quả của phép tính 8 + 5. So sánh các số hạng ở phép tính 5 + 5 và 8 + 5 ta thấy số hạng thứ nhất ở phép tính 8 + 5 tăng lên 3 đơn vị so với số hạng thứ nhất ở phép tính 5 + 5, còn số hạng thứ hai ở hai phép tính đều là 5. Vậy 5 + 5 bằng 10 (1 chục, 0 đơn vị) thì 8 + 5 sẽ bằng 13 (1 chục, 3 đơn vị). 10 thêm 3 được 13 ( khi số hạng tăng lên 3 thì tổng sẽ tăng lên 3). Đồng thời làm rõ cho học sinh thấy 8 + 5 = 13 thì 5 + 8 = 13 ( khi ta đổi chỗ các số hạng tổng không thay đổi). Sau khi các em nhẩm được kết quả tính tôi hướng dẫn các em cách tìm kết quả khác đó là “Đặt tính rồi tính”. Khi đặt tính cần lưu ý hàng đơn vị viết thẳng cột hàng đơn vị, hàng chục viết thẳng cột hàng chục.

+ Lấy phép tính 8 + 5 làm điểm tựa, dựa trên nguyên lí khi số hạng tăng thì tổng tăng, khi số hạng giảm thì tổng giảm mà các em đã được tôi dạy lồng ghép từ sau bài “ Số hạng – Tổng” trước đó học sinh sẽ thực hiện tìm kết quả của các phép tính còn lại trong bảng “ 8 cộng với một số: 8 + 5” thông qua cách tính:

+ Phép tính 8 + 4 so với phép tính 8 + 5 thì số hạng thứ 2 giảm đi 1 do đó tổng sẽ giảm đi 1. Vậy 8 + 5 = 13 thì 8 + 4 = 12, tương tự 8 + 3 = 11

        + Phép tính 8 + 6 so với phép tính 8 + 5 vì số hạng thứ 2 tăng lên 1 nên tổng sẽ tăng lên 1. Do đó 8 + 5 = 13 thì 8 + 6 = 14; Tương tự các phép tính còn lại như 8 + 7 so với phép tính 8 + 5 thì số hạng tăng lên 2 vậy tổng sẽ tăng lên 2 hoặc so sánh 8 + 7 với 8 + 6 thì ta thấy số hạng tăng lên 1 vậy tổng tăng lên 1. Với cách lấy kiến thức đã biết làm điểm tựa để hình thành, xây dựng kiến thức chưa biết học sinh dễ dàng tìm ra 8 + 7 = 15; 8 + 8 = 16; 8 + 9 = 17

- Thực hiện tương tự khi dạy tất cả các bài dạng “7 cộng với một số: 7 + 5”; “6 cộng với một số: 6 + 5” trong chương trình toán lớp 2.

          3/ Khả năng áp dụng của sáng kiến:

          Cách hướng dẫn trên đã được áp dụng hiệu quả tại lớp 24 và lớp 25; lớp 26 trường TH & THCS Thuận Lợi. Sáng kiến này có thể áp dụng cho tất cả các lớp ở tổ khối 2 đang dạy học theo chương trình hiện hành.

          4/ Những thông tin cần được bảo mật (nếu có): Không.

           5/ Điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

GV cần:

+ Nắm vững mục tiêu bài học, kiến thức học sinh đã học và đang được học.

+ Xây dựng phép tính ban đầu 9 + 5 thật kỹ theo mẫu trong sách.

+ Hướng dẫn học sinh nhận biết các dấu hiệu để so sánh.

+ Linh động, sáng tạo trong dạy học.

+ Sử dụng các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, hiệu quả.

          6/ Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

+ Học sinh hứng thú, tích cực học tập và cảm thấy thú vị khi tự mình khám phá những điều chưa biết dựa trên những cơ sở đã biết.

          + Học sinh không còn cảm giác nhàm chán như khi lập đi lập lại các thao tác trên đồ dùng để tìm kết quả.

          + Không mất nhiều thời gian cho việc hình thành, tìm ra kết quả của phép tính.

          + Học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức, biết tìm điểm tựa từ đó tự hình thành các phép tính, ngay cả các phép tính có số hạng lớn hơn.

          + Học sinh hiểu thêm nguyên lí toán học “ Khi số hạng tăng thì tổng tăng. Số hạng giảm thì tổng giảm” từ đó vận dụng được vào nhiều bài.

          + Học sinh nổi trội có cơ hội để phát triển năng lực và trí lực.

          + Hạn chế tình trạng học vẹt và nhớ máy móc các phép tính.

          + Có thể áp dụng cách hình thành phép trừ tương tự hình thành phép cộng khi dạy phép trừ ( Số trừ tăng thì hiệu giảm; Số bị trừ tăng thì hiệu tăng;...)

+ Hỗ trợ khi học sang dạng bài tìm x (nhờ học sinh khắc sâu tên gọi các thành phần trong phép cộng)

          7/ Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử:

          Sáng kiến này đã được áp dụng thử cho học sinh lớp 24 ; lớp 25 ở trường TH & THCS Thuận Lợi và đem lại kết quả cao, học sinh tiếp thu bài nhanh, tích cực và hiệu quả.

- Danh sách những người đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu:

     Tôi xin cam đoan mọi thông tin nêu trong đơn là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.