Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 119
  • Trong tuần: 940
  • Tất cả: 245680
Đăng nhập
Kinh nghiệm dạy văn trường THCS Thuận Lợi

Văn nghị luận là văn của tư duy khái niệm, của duy lí lô gich, do vậy, lời văn, ý tứ viết phải chặt chẽ, sáng sủa, lập luận vững chắc, đảm bảo tính chính xác và giàu tính thuyết phục. Để lời văn hấp dẫn, giàu sức thuyết phục thì ngôn ngữ trong văn nghị luận phải có tính hình tượng và có sức gợi cảm: “Bài văn nghị luận hay là bài văn vừa. giàu sức thuyết phục luận lí, vừa giàu hình ảnh” (GS Nguyễn Đăng Mạnh). Vậy giáo viên dạy cho HS viết văn giàu hình ảnh bằng cách nào?

1.Dạy cho các em biết tạo hình ảnh bằng lối nói so sánh:

     Để phân tích vẻ đẹp nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm người ta sử dụng nhiều phương pháp, nhiều lối phân tích khác nhau nhưng phân tích theo lối so sánh đã trở thành một phương pháp phân tích văn học khá phổ biến và rất hiệu quả. Những so sánh này bao giờ cũng gợi cảm, gợi trí tưởng tượng và những liên tưởng phong phú trong lòng người đọc. So sánh là một biện pháp rất cần thiết trong văn nghị luận. Một mặt nó làm sáng tỏ ngay vấn đề đang bàn luận, mặt khác nó chứng tỏ người viết có kiến thức phong phú, rộng rãi. Có nghĩa là người viết phải có một vốn kiến thức rất rộng về văn chương.                                              

                                                       Có ba cách so sánh:

a.So sánh bằng tỉ dụ:

Tức là tìm một hình ảnh rõ nét để cụ thể hoá ý kiến của mình. Trong quá trình phân tích một tác phẩm, một nhân vật trong tác phẩm hay phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm, một nhân vật nào đó, để lời văn có sức thuyết phục, nên chọn tìm những hình ảnh rõ nét nào đó để liên hệ, đối chiếu.

Ví dụ: Cảm nhận về bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen”: Bài ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen” là một bài ca dao đẹp. Mỗi lời là một nốt nhạc, một nụ hoa, mỗi hình ảnh là một giai điệu, một đoá hoa tuy không rực rỡ sắc màu nhưng lại thoang thoảng hương thơm dịu ngọt…”

b. So sánh bằng ẩn dụ:

  Là HS nêu những đánh giá, nhận xét của mình về một giai đoạn văn học, một mảng văn học hay đánh giá nhận xét về một nhân vật trong tác phẩm, một đoạn thơ, một bài văn…thì nên chọn lối nói ẩn dụ, một cách ví ngầm, kín đáo nhưng lại có tác dụng giúp cho người đọc liên tưởng và giúp cho lời văn có hình ảnh, hàm súc hơn.

-Ví dụ: Đánh giá về văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945: “ Nhìn chung văn học hiện thực phê phán bằng những đóng góp của mình rất có lợi cho cách mạng. Đó là dòng văn học tiến bộ nhất trong các dòng văn học công khai hợp pháp lúc bấy giờ. Nó góp một ngọn gió vào ngọn lửa cách mạng Việt Nam.”

-Trong phân tích thơ, so sánh bằng ẩn dụ được sử dụng nhiều.

c. So sánh bằng đối ngẫu:

HS chọn và đặt song song các hình ảnh đối chiếu trong bài viết của mình

-Ví dụ: Cảm nhận về bài thơ  “Đâïp đá ở Côn Lôn”(Phan Châu Trinh): “Hai câu thơ 5,6 đối nhau làm nổi bật sự thử thách và tôi luỵên. Có thời gian “tháng ngày”, có gian khổ “mưa nắng”. “Thân sành sỏi”, “dạ sắt son” là hai hình ảnh ẩn dụ khẳng định một dũng khí , một ý chí kiên cường, bền vững, một tấm lòng thuỷ chung với cách mạng”

Cần lưu ý HS :

 Khi so sánh có thể đối chiếu các hình ảnh trong một bài văn, bài thơ, giữa ý này với ý kia, hoặc so sánh hai giai đoạn, hai thời kì, hai tác phẩm, hai phong cách sáng tác,v..v…. Đặc biệt không được xa rời chủ đề của tác phẩm mà phải hướng tới làm rõ tính mạch lạc cuả tác phẩm. Vì vậy thông thường chỉ so sánh với chi tiết nào có ý nghĩa với việc làm sáng tỏ chủ đề của tư tưởng tác phẩm mà thôi. Cần so sánh với những tác phẩm cùng chủ đề, với những tác  phẩm tuy cùng viết về một đề tài nhưng chủ đề tư tưởng khác nhau hoặc có thể so sánh với những tác phẩm cùng chủ đề nhưng có sự phát triển đáng kể; hoặc so sánh để làm nổi bật cấu trúc của tác phẩm (chẳng hạn so sánh khổ thơ trước, khổ thơ sau, các giai đoạn, những điểm mốc đột biến trong cuộc đời, trong sự phát triển tính cách nhân vật, các từ ngữ, các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm…). So sánh cốt là để làm nổi bật cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương chứ không phải để phô trương kiến thức , rồi viết lan man, mất trọng tâm, nếu vậy bài văn sẽ trở nên  tản mạn, lạc đề gây cảm giác khó chịu cho người đọc.

 2.Dạy cho HS tạo hình ảnh bằng lối dựng cảnh:

  Để đảm bảo chất văn, một bài viết phải dựng cảnh. Đang nêu ý kiến của mình bằng cách phân tích, HS có thể chuyển ngay một cảnh để nêu ý kiến đó được rõ hơn. Tức là tả cảnh, kể chuyện ngay trong quá trình nghị luận. Điều này gây sự hấp dẫn cho ý kiến của mình. Đây cũng là hình thức kết hợp nhiều phương thức biểu đạt trong văn nghị luận làm cho vấn đề bàn luận sáng rõ, dễ hiểu.

- Có những cách dựng cảnh sau:

 a.Có thể dựng ngay cảnh thực: Trong bài viết cần dựng lại cảnh thực được thể hiện trong dẫn chứng, đây là sự kết hợp giữa nghị luận và tự sự.

Ví dụ: Cảm nhận về hành động của Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga:       

                                                      “Vân Tiên tả đột hưũ xông

                                        Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”

Nhà thơ không miêu tả tỉ mỉ trận giao chiến mà chỉ kể ngắn gọn bằng mấy dòng thơ, một số câu so sánh và dăm ba từ đặc sắc “tả đột hữu xông”, “khác nào Triệu Tử”, đúng là một dũng tướng đánh nhanh, kín võ sánh ngang với Triệu Tử Long thời Tam Quốc trong trận phá vây quân Tào Tháo cứu A Đẩu, con trai Lưu Bị ở Đương Dang. Ngày xưa, Triệu Tử Long chiến đấu vì ngôi vua, vì bảo vệ ấu chúa A Đẩu, dầu sao vẫn là nghĩa vụ của một bầy tôi trung thành. Còn ngày nay, Lục Vân Tiên chiến đấu vì người dân gặp nạn, cứu dân trừ ác, xuất phát từ lòng nhân. Giản dị, vô tư mà trong sáng, cao đẹp biết bao. Cuộc chiến đấu của chàng như trận đánh của Thạch Sanh diệt đại bàng cứu nàng công chúa Quỳnh Nga. Sức mạnh của Vân Tiên là sức mạnh của nhân dân, của điều thiện”

 b.Có thể dựng cảnh ngay trong tưởng tượng:

    Muốn phân tích tác dụng sâu xa của một hình ảnh nghệ thuật trong một tác phẩm, một đoạn thơ, đoạn văn nào đó, người viết cần tìm cách tưởng tượng ra nhiều cảnh xa, cảnh gần để nối chúng lại với nhau và trong tưởng tượng giúp người đọc sống lại cả quá khứ và hiện tại.

-Ví dụ. Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh: “Cách chúng ta hằng mấy mươi thế kỉ, ở một nơi xa xôi tận đầu bên kia trái đất, một đêm, nhạc sĩ Bethoven trông thấy đỏ ối một vầng trăng thong thả nhô lên mà viết bản sonate. Còn đêm nay, giữa rừng Việt Bắc, một thi sĩ, một chiến sĩ thấy ánh trăng bao trùm tất cả đã viết nên những dòng thơ trữ tình”Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”, không khí thơ có một cái gì như là huyền ảo khiến người đọc như bước vào cõi thần tiên…”

 c.Có thể dựng cảnh bằng cách vận dụng nhiều điển tích, thành ngữ văn học:

   Trong các tác phẩm văn học, nhất là trong văn học cổ các tác giả thường sử dụng điển tích văn học, dùng thành ngữ , tục ngữ. Nếu hiểu rõ điển tích, thành ngữ, cần cho HS dựng lại cảnh bằng cách kể lại điển tích hay nguồn gốc của thành ngữ đó trong quá trình nghị luận.

-Ví dụ: Khi cho HS viết bài văn nghị luận về đoạn trích “Chị em Thuý Kiều”, có thể vận dụng cách dựng cảnh này: “Nguyễn Du không những miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều bằng những hình ảnh của  thiên nhiên với bút pháp nhân hoá, ẩn dụ mà ông còn sử dụng điển tích “nghiêng nước, nghiêng thành” để kết thúc đoạn thơ miêu tả sắc đẹp của Kiều. Điển tích này có nguồn gốc từ tiếng Hán với dạng thức “khuynh quốc, khuynh thành”. Thực ra “khuynh quốc, khuynh thành” là ý tứ bài ca của Lí Niên Diên trong Hán Thư: “Bắc phương hữu giai nhân, tuyệt thế nhi độc lập. Nhất cố khuynh nhân thành. Tái cố khuynh nhân quốc”(Phương Bắc có người đẹp, đẹp hơn đời mà đứng  một mình. Ngoảnh nhìn một cái làm thành người ta xiêu. Ngoảnh nhìn thêm lần nữa, làm nước người ta đổ”). Nàng Kiều dẫu được Nguyễn Du rất kì tài trong miêu tả nhưng vẫn chưa bộc lộ hết sắc đẹp tiềm ẩn trong vẻ đẹp của nàng. Chỉ cho đến khi Nguyễn Du mượn đến thành ngữ “nghiêng nước, nghiêng thành” thì vẻ đẹp của Kiều mới hoàn hảo, mĩ mãn với tất cả sự lôi cuốn kì diệu của nó”.

 3.Dạy cho HS biết cách sử dụng từ ngữ đặc sắc phong phú để tạo hình ảnh:    Những hình ảnh trong bài văn là do hệ thống từ ngữ tạo nên. Hệ thống từ ngữ gợi hình ảnh, cảm giác trong tiếng Việt rất phong phú và đa dạng. Cần lưu ý cho HS phải suy nghĩ cho kĩ rồi mới cầm bút viết. Khi viết ra rồi tự mình phải đọc lại bài viết của mình bởi ngôn từ văn học là loại ngôn từ được chắt lọc từ ngôn ngữ đời thường, được nâng cấp, sửa sang làm cho nó óng ả và giàu đẹp hơn lên. Như vậy, các biện pháp tu từ là những phương tiện để thực hiện nhiệm vụ trang điểm cho ngôn từ văn học. Biện pháp tu từ :so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ nếu sử dụng đúng chỗ sẽ tạo ra lời hay, ý đẹp, hình ảnh đẹp, giúp cách diễn đạt phong phú và hiệu quả hơn.

 Diễn đạt cần có hình ảnh, gợi cảm xúc. Có ý nhưng diễn đạt khô khan, ít gợi cảm thì sức thuyết phục giảm đi rất nhiều. Trái lại câu văn có hình ảnh, có màu sắc văn chương, sức hấp dẫn, thuyết phục của nó tăng lên rất nhiều.

 Hãy so sánh hai câu văn sau đây:

-“Cuộc sống cơ bản là những tích cực, nhưng bên cạnh cái tích cực là chủ yếu đó, vẫn còn những tiêu cực”

- “Cuộc sống mới đang nở hoa ngào ngạt hương thơm, nhưng dưới những chùm hoa đẹp vẫn còn những con sâu, những cánh hoa tàn”

Rõ ràng câu sau gợi cảm hơn mà ý tứ vẫn chặt chẽ, sâu sắc.

                                (Trích sáng kiến kinh nghiệm “ Dạy học sinh viết văn có hình ảnh”- Trần Thị Thanh Thu)