Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 91
  • Trong tuần: 982
  • Tất cả: 247010
Đăng nhập
CHUYÊN ĐỀ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TIẾT HOẠT ĐỘNG TẬP THỂ LỚP 2
CHUYÊN ĐỀ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TIẾT HOẠT ĐỘNG TẬP THỂ LỚP 2

 A. ĐẶT VẤN ĐỀ:

          Trong công tác chủ nhiệm, tiết Hoạt động tập thể đóng vai trò khá quan trọng. Thực hiện tốt tiết Hoạt động tập thể sẽ tác động tích cực đến các tiết học khác trong toàn tuần học của lớp và là cơ sở để theo dõi, đánh giá quá trình rèn luyện và tiến bộ của mỗi học sinh xuyên suốt cả năm học.

           Trong chương trình giáo dục phổ thông, tiết Hoạt động tập thể được quy định như một tiết học bắt buộc không thể thiếu ở mỗi cấp học. Đối với bậc tiểu học, đây là tiết được các nhà trường xếp ở tiết học cuối của mỗi tuần học, thời điểm để mỗi học sinh thực hiện tự đánh giá và đánh giá hoạt động học tập, rèn luyện của cá nhân và tập thể lớp sau mỗi tuần học đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động cho tuần học tập tiếp theo nhằm mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch năm học của mỗi lớp đã đề ra . Tiết Hoạt động tập thể được đặt dưới sự quản lý, giám sát và tác động giáo dục của GVCN.

           B.   THỰC TRẠNG :

          Tiết Hoạt động tập thể đặt ở cuối mỗi tuần học, tiết học không có phân phối chương trình hay nội dung yêu cầu cụ thể lại đi đôi với tâm lí mỏi mệt muốn xả hơi cuối tuần nên dễ bị thực hiện qua loa đại khái, do đó dễ bị đánh mất mục tiêu, ý nghĩa và nhiệm vụ quan trọng của tiết học. Làm mất tác dụng vốn có của tiết học đó. Nội dung giờ sinh hoạt lớp còn khô cứng lặp đi lặp lại, không thực sự gắn với nhu cầu của học sinh.
          Hình thức tổ chức Hoạt động tập thể đơn điệu, nhàm chán, không hứng thú với học sinh bởi các em không được cùng nhau tổ chức, tham gia vào tiết Hoạt động tập thể

          Giáo viên quá nghiêm khắc, không gần gũi, thân thiện, không đặt mình  vào vị trí của học sinh để hiểu các em.

          C. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG TIẾT HOẠT ĐỘNG TẬP THỂ:

          Thứ nhất: GVCN không điều hành trực tiếp hoạt động này.

          Thứ hai: Tâm lý học sinh thường e ngại khi tiến hành nhận xét, nhắc nhở bạn, sợ bạn ghét, bị cô lập hoặc có thể có những hành động “trả thù” nên có xu hướng bao che

Thứ ba: HS còn nhút nhát, chưa mạnh dạn tự tin khi đứng trước lớp nhận xét.

          D. BIỆN PHÁP:

  • Xây dựng và tiến hành tiết Hoạt động tập thể

               Xây dựng tiết học thân thiện, học sinh tích cực. GVCN đóng vai trò vừa là nhà viết kịch bản vừa là đạo diễn và cũng là cá nhân tác động tích cực trong giáo dục hoàn thiện nhân cách cho học sinh và hoàn thành nhiệm vụ tiết học. Để hoàn thành tốt tiết Hoạt động tập thể cần thực hiện theo các bước:

    Bước 1: Thu thập thông tin- Điều khiển gián tiếp

              + Rà soát nhiệm vụ giáo dục của tháng, của tuần theo chủ đề,

              + Nắm bắt tình hình hoạt động và học tập của toàn lớp trong tuần thông qua các nguồn: Sổ cờ đỏ, thầy cô bộ môn và cán bộ lớp. Cần nắm và phân loại các thông tin trong giờ học và ngoài giờ học: Tiến bộ, sa sút,  có cố gắng, thiếu tập trung… và việc thực hiện nội quy của tập thể lớp cũng như cá nhân học sinh trong lớp

               + Trao đổi, định hướng trước với cán bộ lớp về nhiệm vụ của tiết Hoạt động tập thể chuẩn bị thực hiện và kế hoạch tuần tiếp theo

    Bước 2: Tiến hành tiết Hoạt động tập thể : Có thể chia thành 3 hoạt động lớn

  • Hoạt động 1: Tổng kết và đánh giá hoạt động trong tuần

         Đây là giờ tự quản, giờ các em thực hiện đánh giá, tự đánh giá các hoạt động của cá nhân và tập thể trong suốt tuần học. GVCN tiếp tục nắm bắt tình hình lớp qua đó bổ sung thêm thông tin về sự tiến bộ hoặc sa sút của mỗi học sinh trong lớp để động viên hay uốn nắn kịp thời.

    * GVCN định hướng nội dung trong tiết Hoạt động tập thể : Nhận xét, đánh giá thực hiện các nề nếp: vệ sinh, trực nhật, ra vào lớp; ý thức học tập, chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập…phương hướng, kế hoạch tuần tới.

    * Lớp Trưởng( CTHĐTQ)  điều khiển lớp:

               + Các tổ (Nhóm) trưởng cho các thành viên nhận xét, đánh giá, sau đó báo cáo kết quả theo dõi thi đua của từng thành viên và cả tổ (nhóm) trong tuần

              + Lớp trưởng ( CTHĐTQ)  cho các bạn đóng góp ý kiến về các hoạt động của lớp; Phản ánh đúng sai của quá trình theo dõi của các tổ. Những trường hợp sai phạm chưa được báo cáo, các cá nhân cần tuyên dương…

              + Lớp trưởng( CTHĐTQ)  tổng kết : Dựa trên quá trình theo dõi, quản lí lớp trực tiếp trong suốt tuần học và qua báo cáo của các Tổ trưởng, các thành viên trong lớp. Cần nêu rõ những mặt nổi bật trong tuần đồng thời vạch rõ những khiếm khuyết của tập thể, cá nhân trong lớp. Cuối cùng đề xuất tuyên dương cá nhân điển hình của lớp cũng như nhắc nhở cá nhân vi phạm với GVCN

     * GVCN nhận xét đánh giá và sau đó tuyên dương cá nhân, tổ điển hình. Nhắc nhở những thành viên vi phạm

     - Dựa trên những thông tin thu thập được về hoạt động học tập của các em

    + GVCN cần đánh giá góp ý phương pháp làm việc của cán bộ lớp, uốn nắn điều chỉnh để rèn luyện kĩ năng tự quản cho lớp.

    + Cần phát hiện và tuyên dương, động viên kịp thời các học sinh đã có sự cố gắng phấn đấu trong tuần.

    + Cần nhận xét đánh giá nhẹ nhàng nhưng cương quyết những cá nhân sai phạm , chây lười, lơ là trong học tập và thiếu tính thần trách nhiệm với tập thể. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời hiện tượng học sinh cá biệt.

    + Thưởng, phạt công minh đảm bảo được tính thuyết phục, thu hút và ràng buộc học sinh

    + Tiếp tục rút kinh nghiệm với những kết quả đạt được đồng thời góp ý bổ sung kế hoạch hoạt động theo định hướng giáo dục đã có.

  • Hoạt động 2: Xây dựng kế hoạch tuần học tiếp theo.

              -  Dựa trên sự định hướng trước của GVCN, nhiệm vụ đặt ra của nhà trường, mục tiêu thi đua rèn luyện, lớp trưởng( CTHĐTQ)   phác thảo kế hoạch thực hiện bao gồm: nhiệm vụ phải thực hiện và mục tiêu phấn đấu đạt được trên tinh thần khắc phục những mặt yếu kém tuần qua và phát huy những lợi thế đạt được của tập thể lớp.Tập thể lớp trao đổi và đi đến phương án thực hiện.

               - Các tổ thảo luận phương hướng

               - Kết thúc hoạt động 2, lớp trưởng( CTHĐTQ)   mời GVCN cho ý kiến

    (Hiệu quả của mỗi tuần phụ thuộc phần lớn vào kế hoạch đặt ra của tuấn trước đó)

               - GV chốt, phổ biến phương hướng tuần sau

       * Hoạt động bổ trợ:

            Chọn ra một trong số HS được biểu dương trong tuần, mời HS đó nêu lên cách học tập tốt của bản thân cũng như lịch học tập của mình để các bạn tham khảo ; tuần khác lại thay đổi bằng cách yêu cầu các bạn trong lớp thảo luận: Cách chữa bệnh nói chuyện trong giờ học là gì ? muốn học tốt mình phải làm gì? Mỗi giờ học là một chủ đề thảo luận nhằm giúp học sinh học tập và rèn luyện tốt hơn. Bên cạnh đó, việc yêu cầu học sinh hứa trước lớp khắc phục lỗi. Thông qua việc làm này, cũng rèn kĩ năng giao tiếp cho những học sinh hay thiếu tự tin vì học yếu hay bị mắc lỗi, giúp các em mạnh dạn hơn, có trách nhiệm trong việc giữ lời hứa,…

  • Hoạt động 3: Lồng ghép kể chuyện Bác Hồ và lồng ghép hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chủ đề tháng

          Ví dụ:

 Tháng 9: Chủ đề Mái trường thân yêu của em

          Tháng 10: Vòng tay bạn bè

          Tháng 11: Biết ơn thầy giáo, cô giáo

          Tháng 12: Uống nước nhớ nguồn

          Tháng 1: Ngày Tết quê em

          Tháng 2: Em yêu Tổ quốc Việt Nam

          Tháng 3: Yêu quý mẹ và cô giáo

          Tháng 4: Hòa bình và hữu nghị

          Tháng 5: Bác Hồ kính yêu

  • Để tránh sự nhàm chán, căng thẳng của tiết Hoạt động tập thể ngoài thái độ nhẹ nhàng GVCN cần định hướng cho lớp có những tiết mục văn nghệ thư giãn như: hát, kể chuyện vui, những trò chơi nhỏ… cũng có thể tổ chức  sinh nhật cho các em có ngày sinh thuộc tháng hoặc tuần đang sinh hoạt đan xen hợp lí, linh hoạt giữa các hoạt động. cho học sinh biểu diễn các tiết mục văn nghệ do các em tự đăng kí; các tiết mục biểu diễn cá nhân hoặc nhóm bạn là tùy thích,… mỗi tuần do một nhóm phụ trách biểu diễn… Có như thế giúp các em cảm thấy nhẹ nhàng và thích thú tăng thêm hiệu quả giờ sinh hoạt lớp.
    • KẾT LUẬN

   Để nâng cao chất lượng tiết Hoạt động tập thể cần:

          - Ngay từ đầu năm học GVCN cần phải xây dựng đội hình cán bộ lớp vững vàng, uy tín có thể thu hút, thuyết phục được tập thể. Đồng thời có sự tập dượt cho lực lượng cán bộ lớp phương pháp làm việc, phương pháp theo dõi đánh giá, phương pháp nhận xét trước tập thể như: tuyên dương thì cần làm nổi bật, nhận xét đánh giá thì nhẹ nhàng thuyết phục không nên dùng từ ngữ gay gắt gây tổn thương trực diện đến đối tượng bị phê bình. Bên cạnh đó GVCN cũng phải giảng giải cho tập thể lớp hiểu đó là công việc phải làm với mục tiêu xây dựng tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ. Mọi người trong tập thể lớp bình đẳng, việc nhận xét, đánh giá chỉ giúp hoàn thiện chứ không mang tính chất chỉ trích, trù dập hay cô lập một thành viên nào đó trong tập thể.

          - Đa dạng hóa về nội dung và hình thức tố chức tiết Hoạt động tập thể.
          -  Nội dung tiết Hoạt động tập thể hàng tuần phải cụ thể bổ ích, phải gắn với nhu cầu hứng thú của học sinh và phù hợp với tâm lí, khả năng tiếp thu và trình độ hiểu biết của học sinh

- Tăng cường những nội dung sinh hoạt có liên quan đến các công việc chung của lớp, phù hợp với nhu cầu và sở thích của học sinh. Để học sinh được bàn bạc nỗ lực cố gắng và hợp tác với nhau để hoàn thành công việc đựơc giao
          - Đảm bảo giao lưu dưới hình thức đối thoại để học sinh cởi mở, thân thiện và đoàn kết hơn giúp học sinh tin tưởng và không ức chế về tâm lí.

          - Mỗi GVCN cần tận tâm, nhiệt huyết với nghề, đặt mình vào vị trí các em, lắng nghe tích cực tiếng nói của học sinh để có những chia sẻ, uốn nắn, định hướng hiệu quả.

******************************