Bài cảm nhận về mẹ Suốt nhân ngày phụ nữ Việt Nam - Trường THCS Thuận Lợi
Quảng Bình quê tôi, nơi có con sông Nhật Lệ
oằn mình dưới bom đạn, đã in dấu ấn trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam trong
những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Trên dòng sông này, có
một người mẹ đêm đêm vẫn chèo đò chở những người con của cách mạng qua sông
trong những ngày chiến đấu ác liệt, đã trở thành biểu tưởng của chủ nghĩa anh
hùng cách mạng, một tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ
đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù.
Vào
tháng 11 năm 1965, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ nổi tiếng mang tên “Mẹ
Suốt” . Bài thơ được đăng trên Báo Nhân Dân và trở nên quen thuộc với công
chúng, đặc biệt với hình ảnh bà mẹ Nguyễn Thị Suốt.
Mẹ Suốt, tên thật là Nguyễn Thị Suốt
(1908-1968) tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, Thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bà
sinh ra trong một gia đình cư dân
nghèo , thủa nhỏ đã phải đi ở đợ suốt 18 năm. Sau cách mạng
tháng tám, bà mới lấy chồng và sinh được 6 người con.
Năm 1964, Mỹ bắt đầu đem quân đánh
phá miền Bắc. Quảng Bình là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay và
hải quân Mỹ. Lúc đó, bà đã 58 tuổi nhưng vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, giữ thông tin liên
lạc giữa hai bờ. Tổng cộng ước tính mỗi năm mẹ Suốt qua lại đến 1400 chuyến.
Ngày 01 tháng 01 năm 1967, bà được
phong tặng danh hiệu Anh hùng Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước.
Cuối năm 1968, trong một lần đi ở bến đò Bảo Ninh, mẹ Suốt
mất trong một trận bom bi oanh tạc Mỹ.
Năm 1980 để tưởng nhớ và thể hiện
sự cảm kích về một người mẹ anh hùng của quê hương. Ủy ban Nhân dân thị xã Đồng
Hới đã cho xây dựng bia đài Mẹ Suốt nằm giữa trung tâm bến đò, và bức tượng mẹ
Suốt được đặt gần cầu Nhật Lệ, trên con đường mang tên Mẹ Suốt. Đây cũng là địa
chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thành phố và du khách
gần xa khi đến với Quảng Bình và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm kích trước một
người mẹ bình thường nhưng rất đỗi anh hùng.
Thật may mắn và hãnh diện biết bao
khi tôi cũng là một người con của đất mẹ.
Tôi đã được đến thăm bến sông Nhật Lệ, được đứng trước tượng đài uy nghi của
mẹ. Qua bài viết này tôi tự hào được giới thiệu với quý thầy cô và các em học
sinh bài thơ “ Mẹ Suốt” của Nhà thơ Tố Hữu, bài thơ mà tôi đã được nghe ba của
tôi ngâm cách đây 12 năm
Lặng nghe mẹ kể ngày xưa
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình
Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh
Mênh mông sông biển, lênh đênh mạn thuyền
Sớm chiều, nước xuống triều lên
Cực thân từ thuở mới lên chín mười
Lớn đi ở bốn cửa người
Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua
Lấy chồng, cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!
Nghĩ mà thương mẹ cha sinh
Thương chồng con lại thương mình
xót xa
Bây chừ sông nước về ta
Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào
Bây giờ biển rộng trời cao
Cá tôm cũng sướng, lòng
nào chẳng xuân!
Ông nhà theo bạn "xuất quân"
Tui nay cũng được vô chân "sẵn sàng"
Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!
Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ...
Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc sớm trưa đưa đò...
Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:
Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?
Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu
Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!
Nghe ra, ông cũng vui lòng
Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:
"Coi chừng sóng lớn, gió to
Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!"
Vui sao, câu chuyện ơn tình
Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say...
Nhân ngày thành lập
hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 . Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất
đến các bà, các mẹ và các chị. Những người vẫn luôn cống hiến cả cuộc đời mình
cho đất nước, cho gia đình, cho các cháu , các con và các em.
Thanh
Tâm- Tổ Tự Nhiên